Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Lịch sử hình thành Môn phái Thiếu Lâm Nam - Bắc Phái

Võ phái Thiếu Lâm Nam Bắc phái được khai sáng bởi Võ sư Trần Văn Vốn ( vs Quốc Hải ) tại Bạc Liêu và hiện vẫn đang phát triển tại Bạc Liêu cùng một số chi nhánh ở Bình Phước.
Võ sư Trần Văn Vốn sinh ngày 26-10-1947 tại Tỉnh Bạc Liêu, tên thật của Võ sư là Trần Quốc Hải. Là con trai thứ 3 trong gia đình.Cha là Võ sư Trần Kim Long, một thầy võ hành nghề Sơn Đông mãi võ và bốc thuốc gia truyền rất có tiếng tăm ở Bạc Liêu.
Ông nội là Đại lực sĩ Trần Phi Sơn gốc người Hoa đi phiêu bạt giang hồ khắp các nước Đông Dương từ Thái Lan, Nam Dương, Miên… Võ sư Đại lực sĩ Trần Phi Sơn từng giao đấu với 4 cận vệ của vua Xiêm tại Thái Lan và toàn thắng, ngưỡng mộ tài nghệ của Võ Sư, vua Xiêm đã kết giao làm Hoàng Đệ, hiện tín vật kết giao vẫn còn được giữ bởi dòng con thứ của người vợ thứ của Võ sư Trần Phi Sơn.
Võ sư Trần Văn Vốn vào năm 11 tuổi thì được cha ( theo thông lệ cha không truyền dạy căn bản võ học cho con) gởi cho Ông ngoại là Võ sư Ba Xem, một thầy võ khét tiếng ở Châu Thới-Tỉnh Bạc Liêu kèm cặp căn bản võ thuật. Sau 2 năm khổ luyện căn bản võ thuật của võ Vườn Việt nam, các bài quyền Tấn Vuông quyền, Tam Môn quyền, Tứ Môn quyền,Đinh Tấn Chuyển, Đại Lực Quyền, Thần Đồng Côn, Đả Hổ Côn… đều được thầy Vốn hấp thụ trong lúc này.
Đến năm 12 tuổi thì Thầy Vốn được Cha đem về truyền thụ võ công Bắc Phái Thiếu Lâm tại nhà ở tỉnh lị Bạc Liêu. Gia đình thầy có nhiều chị em nhưng chỉ có 2 người theo nghiệp võ là Thầy và người Chị có chồng là võ sư Minh Sang, một võ sư đấu võ tự do có tiếng tăm ở Sài Gòn có lò võ nổi tiếng là Võ đường Minh Sang. Võ sư Minh Sang có tuyệt chiêu đòn gối bay sát thủ học được từ ông ngoại vợ là võ sư Ba Xem.
Lớn lên thầy Vốn được gia đình gởi lên Sài Gòn học văn hoá, vào thời gian này thầy được tiếp xúc và học với rất nhiều cao thủ võ Tàu ở Sài Gòn,Chợ Lớn. Hoàn thành chương trình học chữ, với máu phiêu lưu và cũng là tránh bắt quân dịch, thầy rời gia đình đổi tên là Trần Văn Vốn và đi phiêu bạt từ Nam đến khắp miền Trung, vừa làm kiếm sống vừa tầm sư học võ. Tại núi Tượng- miền Trung Nha Trang- Khánh Hoà, cơ duyên đưa đẩy thầy đã được sư Bạch ( một cao thủ người Hoa ẩn cư) truyền thụ môn Thiếu Lâm Bạch Mi.
Sau một thời gian lưu lạc thầy trở về Bạc Liêu lập gia đình và bắt đầu mở lò võ tên là Kim Long Đường ( lấy theo tên thân phụ) để truyền dạy những sở đắc võ công mình đã học được. Một võ phái mới ra đời đúc kết tinh hoa của nhiều dòng võ Ta, Tàu, nhất là đậm nét của Thiếu lâm Nam phái. Do đó thầy lấy tên là Thiếu Lâm Nam Bắc Phái để tri ân tất cả những ân sư mình từng thọ giáo.
Vào thời gian này thầy đã tham gia dự thi cấp võ sư và đã được Tổng Cục Quyền Thuật miền Nam Việt Nam cấp văn bằng võ sư, một văn bằng rất có giá trị vì phải vượt qua nhiều khảo hạch gắt gao và thử thách cao độ về quyền thật,binh khí lẫn thực chiến trên võ đài.
Sau 1975, các lò võ trong nước bị cấm hoạt động, với niềm đam mê nghiệp võ thầy rút về dạy võ tại nhà riêng ở hẻm Cầu số 4 (nay là đường Hoà Bình-tp Bạc Liêu). Trong thời gian này thầy cũng đứng ra thành lập đoàn đấu đài Bạch Long đi lưu diễn và đăng đài khắp tỉnh và các tỉnh phụ cận.
Chiến tranh biên giới bùng nổ, chính phủ chủ trương toàn dân luyện võ để bảo vệ đất nước, phong trào võ thuật bùng nổ mãnh liệt, với tinh thần háo võ của người Bạc Liêu, hầu như toàn thể thanh thiếu niên Bạc Liêu đều tham gia rèn luyện võ thuật. Võ đường Kim Long khai trương năm 1987 tại sân tennis gần hồ bơi cũ ( nay là Cầu Bạc Liêu 2) thu hút hàng vài trăm võ sinh hoạt động luyện tập hàng đêm.
Vào thời điểm này bắt đầu hình thành một thế hệ HLV võ thuật mới đầy nhiệt huyết. Các HLV Tiêu Tấn Dũng, Trần Tấn Luận, Lâm Bình Nghĩa, Tô Thanh Hùng, Lê Hoà Hiệp, Nguyễn Trọng Tiến, Huỳnh Phục Lâm, Lý Thị Kim Liên,…đều trưởng thành từ thời điểm này.
Từ 1988-1993 thầy Vốn với uy tín của mình được bầu làm Hội trưởng Võ Cổ Truyền tỉnh Minh Hải (cũ- Bao gồm cả Cà mau và Bạc Liêu). Các Vận động viên của tỉnh dưới sự dẫn dắt của thầy liên tục gặt hái huy chương thành tích về cho tỉnh nhà qua các kì hội diễn.
Năm 1991 tham dự đại hội Võ cổ truyền tại Hà Nội thầy Vốn được bầu làm Uỷ Viên ban chấp hành Liên đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam.
Năm 1993 do hoàn cảnh gia đình thầy về Cà Mau quản lý phong trào võ thuật Cà Mau. CLB tại Bạc Liêu giao lại cho các HLV Trần Tấn Luận, Lâm Bình Nghĩa và Lê Hoà Hiệp quản lý.
Hiện nay tuổi cao, thầy đã rửa tay gác kiếm về sống hưu trí với gia đình tại Quận Gò vấp- TP Hồ Chí Minh.
Do đặc thù là môn võ được đúc kết tinh hoa nhiều võ phái nên chiêu thức môn phái Thiếu Lâm Nam Bắc phái quyền cước đa dạng, hệ thống quyền pháp và binh khí cực kì phong phú và đặc sắc. Vào thời điểm 1995 người viết bài này đã tổng kết có hơn 35 bài quyền từ cấp sơ cấp đến nâng cao và 15 bài binh khí các loại, từ Roi, Kiếm, Đao, Thương, Song Câu,Siêu Đao,Song Thích, Song Tô….
Đặc trưng của các bài từ Sơ đến Trung cấp là đậm sắc thái võ Vườn miền Tây Nam Bộ. Các bài Cao cấp thì có bài mang nét thiên về đòn thế ngắn,hiểm, tay o lìa hông, quyền đi theo 2 hướng tiến và lui của Bạch Mi phái ( vd bài Thiết Quyền, Đại Lực quyền,Phật thủ quyền, Mỹ Nữ Nghinh Đăng quyền,Long Hổ Song Hành quyền,…),có bài lại phóng khoáng, cước lực tung hoành như Thập bát la hán, Thập Tự Chiến quyền, Thập bát liên châu quyền, Ly Hợp quyền,… . Có bài chuyên về thủ pháp đặc trưng của Thiếu Lâm Nam Phái như Hầu Quyền, Mãnh Hổ Ly Sơn quyền (Hổ quyền), Bát Chỉ quyền (Đánh 2 bàn tay xoè Tứ chỉ), Thiết Thủ Phi Loan, Cáp Thủ quyền,Thập Nhị Phi Vân Quyền (Ưng trảo công)…
Về binh khí có các bài Long Phụng Kiếm, Hồi Mã Thương, Cổn Địa đao (Song Tô), Long Hổ Sát Đao, Thần Đồng Côn, Song Âm Tuý Côn, Mai Hoa Đảo Thuỷ (Song Chuỷ), Mai Hoa Thích tâm Thuỷ ( Đơn thích), Song Câu Liêm, Quan Công Quá Ngũ Quan Trảm Lục Tướng (Siêu Đao), Mai Hoa Chỉ Lộ (Thiết tiêu), Độc đoản côn, Lưỡng Tiết Côn (Nhị Khúc),…
Do số lượng bài quyền quá nhiều nên ít môn sinh nào học và nhớ hết được… mỗi HLV chỉ học và tâm đắc vài bài sở trường rồi do sinh kế không tham gia hoạt động võ thuật, lâu dần mai một đi rất nhiều bài quyền đặc sắc, thêm vào đó theo lời võ sư Trần văn Vốn thì vẫn còn 1 số bài chưa kịp truyền thụ như Tán Hoa Quyền, Phá Quyền ( 2 bài này là bài cấp cao chuyên về phá đòn địch thủ mà không sát thương), Mãnh Long Nộ Hải quyền, Cửu Luyện Xích (Dây xích 9 đốt), Tam Tiết Côn,…
Hiện nay số lượng quyền pháp đang được truyền dạy của môn phái ở các CLB đều nằm ở nhóm quyền Sơ và Trung cấp, chỉ mong một dịp nào đó hội họp đầy đủ các cao đồ của môn phái nhằm tổng kết và lưu giữ lại hệ thống bài bản đồ sộ và đặc sắc của môn phái để lưu truyền cho thế hệ sau…
Làm được điều này chắc cũng là ước mong của mọi môn sinh Thiếu lâm Nam Bắc phái vậy!