[ Updated threads · New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Dịch vụ diễn đàn » CHUYÊN MỤC 1: DIỄN ĐÀN QUẢN TRỊ » Quản trị thông tin » Thông tin bài viết » VÕ SƯ - CHƯỞNG MÔN - NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN THU VÂN (Chưởng môn nhân Môn Phái Thu Vân Võ Đạo)
VÕ SƯ - CHƯỞNG MÔN - NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN THU VÂN
adminNgày: Monday, 2018 Jul 02, 22:15:11 | Thông điệp # 1
Trưởng sư sáng lập
Nhóm: Người quản trị
Bài viết: 157
Giải thưởng: 0
Danh tiếng: 0
Trạng thái: Offline
CON GÁI VÕ SƯ THU VÂN: "MẸ SỐNG CHẾT VỚI SỨ MỆNH..."

TTO - Võ sư Thu Vân đã qua đời lúc 10h30 ngày 14-4. Ngày 15-4 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất, con gái bà Thu Vân - chị Nguyễn Thu Thủy đã tâm sự với PV Tuổi Trẻ online trong đau đớn...


Con gái bà Thu Vân - chị Nguyễn Thu Thủy bên linh cữu mẹ - Ảnh: Đỗ Trường
"Năm 2003, mẹ tôi nhập viện vì căn bệnh ung thư, suy giảm khớp gối. Nhưng bà vẫn “trốn” viện đi dạy học, đi làm từ thiện ở khắp các trại cô nhi viện, các chùa ở TP.HCM, ở Long An. Bà mở hết lớp này đến lớp khác. Bài học dạy xong thì lo cho học trò phần trình diễn sân khấu.

Có lần đi dạy, bà bị tai nạn. Học trò gọi điện báo về nhà. Gia đình chăm bà trong bệnh viện. Hết bệnh bà lại rời chúng tôi đến với những phận đời bất hạnh khác.

Nghị lực sống trong mẹ tôi mạnh mẽ vô cùng. Bà bệnh ung thư giai đoạn 3 khối u 6 cm mà bà vẫn vượt qua. Cả bác sĩ cũng ngạc nhiên bảo sau 13 năm, ung thư vẫn không di căn quả là kỳ tích của bà.

Cho đến tháng 2-2015, bà lại nhập viện vì suyễn (khoa hô hấp Bệnh viện Nguyễn Trãi). Trong một cơn nguy kịch, bà đã không thể nói được với chúng tôi. Thời gian đầu, bà vẫn còn viết được đôi ba chữ nguệch ngoạc nhưng rồi không viết được nữa.

Bệnh tình ngày càng nặng, đến khi bác sĩ bảo mẹ tôi “chết tim”, “hôn mê” “đưa bà về nhà”… Nhưng gia đình vẫn kiên quyết “còn nước còn tát”, bởi chúng tôi biết sức sống và nghị lực trong bà rất lớn. Nhưng lần này, mẹ tôi đã không lặp lại kỳ tích như lần trước. Bà đã rời xa chúng tôi thật sự…

Gia quyến đồng kính bái trước linh cữu bà Thu Vân - Ảnh: Đỗ Trường

Ngày còn sống, con cái trong nhà ít được gặp bà. Bà đi suốt. Khỏi bệnh là đi. Bệnh thì học trò báo gia đình vào chăm sóc. Tôi không trách bà. Tôi xót. Mỗi lần nhập viện chúng tôi cản bà, “mẹ làm gì làm phải giữ gìn sức khỏe”. Nhưng bà cứ ừ ừ rồi cũng “trốn” con cái đi.

Những tháng ngày chăm mẹ tôi trong viện, tôi chỉ gặp bà được 2 tiếng/ngày (theo yêu cầu của bệnh viện) tranh thủ nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Bà chớp mắt nghĩa là bà còn biết tôi nói gì. Tôi cào cào nơi lòng bàn chân, ngón chân bà nhúc nhích. Nhưng lúc ấy, tôi thấy vừa thương vừa xót.

Có lẽ, mỗi người sinh ra trong đời đều mang một sứ mệnh. Cuộc đời của mẹ tôi được ông trời trao cho sứ mệnh truyền dạy nghề võ, lo cho các em bất hạnh thì bà cứ “sống chết” với sứ mệnh đó.

Giờ mẹ tôi nằm xuống, tôi tin sứ mệnh đó bà đã hoàn thành. Cuộc đời bà không phí, bà hạnh phúc vì được sống như thế. Ngọn lửa trong bà chưa bao giờ lụi tàn, cả khi bà nằm xuống…"

Vũ Trần Trọng Nghĩa, học trò bà Thu Vân từ Canada về Việt Nam kính viếng sư phụ. Anh tâm sự: “Lớp 3 tôi đã học sư phụ Thu Vân. Cả tuổi thơ của tôi theo sư phụ biểu diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ, các lớp học thiện nguyện. Mặc dù không theo nghề được, nhưng trong tôi luôn kính trọng sư phụ và vô cùng tiếc thương khi biết tin sư phụ mất” - Ảnh: Đỗ Trường
  • ĐỖ TRƯỜNG ghi

Tệp đính kèm: 9672210.jpg (126.8 Kb) · 3193514.jpg (126.8 Kb) · 1362140.jpg (114.5 Kb)


Trưởng sư Võ Văn Thái
 
adminNgày: Monday, 2018 Jul 02, 22:22:25 | Thông điệp # 2
Trưởng sư sáng lập
Nhóm: Người quản trị
Bài viết: 157
Giải thưởng: 0
Danh tiếng: 0
Trạng thái: Offline
VÕ SƯ THU VÂN: "TÔI MANG ƠN GIA ĐÌNH VÀ KHÁN GIẢ"

Đối diện với tôi là người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, nụ cười rất tươi nở trên môi làm sáng lên khuôn mặt hơi hốc hác. Chị đang ở nhà cùng đứa cháu ngoại chưa đầy tuổi tôi, hai bà cháu ríu rít thật rôm rả. Khó có thể hình dung đấy là một võ sĩ bạch đai nữ, hạng 18/18 lừng danh trên các sàn diễn, một trong những nữ võ sư hàng đầu tại Việt Nam.

Khi nghe tôi nhận xét về chị, võ sư Thu Vân cười giòn: "Khi mình sang Pháp dạy võ, nhiều gã Tây cao lớn nghi ngờ không chịu học ngay, phải đi theo mình 8 võ đường  mới "tâm phục khẩu phục" đấy!". 

Báo chí đã nói rất nhiều về chị, một con người đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Chị một lúc có nhiều danh hiệu cao quý: nữ võ sư, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ ưu tú có nhiều đóng góp cho bộ môn sân khấu cải lương, một cascadeur chuyên vào những vai mạo hiểm... Và có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của chị chính là tình cảm khán giả dành cho chị. Chính nhờ bài thuốc rắn gia truyền của một độc giả mách cho mà chị đã đẩy lùi được căn bệnh. Nhớ về cơn sóng gió đã qua, chị xúc động nói: "Được như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào sự giúp đỡ của khán giả và bạn bè đồng nghiệp". 

Dường như cơn bệnh tật vừa qua không hề làm giảm sút đi sức sống và lòng nhiệt tình ở người phụ nữ bé nhỏ này. Vừa khỏi bệnh, võ sư Thu Vân lại lao ngay vào những hoạt động xã hội rất sôi nổi trong tháng hoạt động chào mừng SEA Games. "Những ngày qua, mình làm việc từ 8 giờ sáng tới 10 giờ đêm, nhà cửa để mặc cho mấy bố con tự xoay xở...". Chị vừa trò chuyện với tôi vừa uống thuốc. 

Tuần lễ chào mừng  SEA Games vừa lắng xuống cũng là lúc chị kiệt sức. Chị nói: "Mình chỉ nghỉ vài hôm cho khỏe lên là lại đi làm ngay. Ngồi một chỗ với mình là một cực hình, ngay cả khi đau yếu". Chị kể, vừa mổ xong mới 2 ngày, bên hông còn đeo một bịch máu truyền mà chị đã ra hướng dẫn đoàn văn nghệ của Bệnh viện Ung bướu múa bài Lý ngựa ô. Chị chỉ lẵng hoa trên bàn, giọng hân hoan: "Quà tặng của khán giả sau đêm diễn vở kịch Bông hồng trên sàn đấu đấy". 

Đây là vở kịch đầu tiên chị tham gia. Vai diễn gần giống với cuộc đời thực của chị. Chị đã nhập vai rất nhuyễn và khiến khán giả rất xúc động. "Mình đã phải mất hơn một tháng trời cùng anh em tập kịch. Vở kịch như một phần thưởng lặng lẽ cho cá nhân sau nhiều năm cống hiến cho nền võ thuật nước nhà. Hạnh phúc lắm !". Vết mổ ở ngực đau nhức, hiện chị không thể tự đi xe được mà phải có người chở.

Trên sàn diễn vì quá say mê mà quên đi tất cả, chỉ khi về nhà đặt lưng xuống giường thì mới thấm đau... Nhưng có lẽ với chị đau nhất là bây giờ chị không còn khả năng biểu diễn những thế võ đẹp mắt, những động tác nhào lộn mạnh mẽ, tinh tế nhất mà chị có. Múa những đường đao trong vở kịch cũng khiến chị phải cắn răng chịu đau đớn. Chị nói vui, nhưng nghe như một triết lý sống: "Vinh quang nào mà chẳng phải có những hy sinh!".

Thu Vân là người sống hết mình vì công việc. "Mình không có nhiều thì giờ chăm sóc gia đình - chị tâm sự - Mình thương và biết ơn ông xã lắm. Ông ấy hy sinh cho mình rất nhiều...".  Chị hồi tưởng lại những giờ phút cận kề với cái chết, khi hai vợ chồng nằm liệt giường, tay trong tay nhau mà ứa nước mắt, thấy thương chồng mà không biết lấy gì bù đắp lại cho anh... Thời kháng chiến, chị là một cô văn công xinh đẹp, gặp anh bộ đội điển trai đem lòng yêu thương. Vừa cưới nhau xong đã phải sống cảnh vợ chồng ngâu biền biệt nhiều năm trời.

Khi trở về từ chiến trường thì anh già sọm đi. Con cái nhìn thấy cha khoanh tay chào bác, đến tối canh không cho "ông người lạ" vào giường mẹ... Đoàn tụ với nhau thì chị lại quá bận bịu công việc. Việc nhà cửa cũng may chị được người chồng hiền lành chia sẻ. Chồng con thay nhau đổ bệnh. Có khi chồng ốm chị bận đi diễn phải "gửi chồng" cho các bệnh  nhân khác trông để đi đóng cascadeur. Chị đã mở rất nhiều lớp võ thuật miễn phí, tình nguyện đi diễn phục vụ các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những em bé mồ côi, trẻ tật nguyền... 

Sau hơn bốn mươi năm cống hiến cho nghệ thuật, đến nay chị đã xấp xỉ lục tuần, đã là bà của các cháu nội ngoại. Ngoài niềm vui công việc là một gia đình quần tụ sum vầy. Trước mắt còn nhiều gánh nặng: ráng chạy vạy để có tiền lo cho căn bệnh kinh niên của chồng và con trai, hằng đêm chăm chồng, chăm cháu nhỏ. Rồi công tác phong trào của Trường ĐH Hồng Bàng, công việc của Câu lạc bộ tài tử Nguyễn Phương Danh do chị làm chủ nhiệm, dạy học, viết sách... Công việc là niềm vui bất tận. Điều Thu Vân sợ hãi nhất không phải là cái chết mà là một sự tồn tại không có ích cho ai. "Tôi vẫn muốn được làm việc để trả ơn đời" - chị nói.

Tại sao chị lại chọn đi theo con đường võ thuật? Nghề nghiệp có tính đặc thù này đã tác động đến cuộc sống riêng của chị như thế nào? (Thùy Mai - Hai Bà Trưng, Q.1, TP Hồ Chí Minh)

- Ban đầu tôi học võ vì muốn có một sức khỏe tốt để phục vụ nghệ thuật lâu dài và sau này thì đã gắn bó máu thịt với nó, võ thuật đã trở thành niềm say mê của tôi. Gia đình bên chồng cũng là một lò võ, ngay cả ông xã tôi cũng là một chiến sĩ đặc công. Sống trong một môi trường như vậy nên tôi tương đối thoải mái, trừ khi quá ham mê công việc mà bỏ gia đình đi biểu diễn triền miên thì ông xã cũng cằn nhằn chút xíu, nhưng về căn bản là ông ấy hiểu và thông cảm cho tôi.

- Theo cô, con gái học võ thì có mất đi sự duyên dáng nữ tính của người phụ nữ Á Đông hay không? (NTT - 119/32, đường 3 Tháng 2, P.11, Q.10, TP Hồ Chí Minh)

- Tuyệt nhiên không! Với môn võ cổ truyền, đặc biệt là võ nghệ thuật thì chỉ có thể làm cho cơ thể đẹp lên mà thôi! Các bạn thấy đấy, tôi gần 60 nhưng vẫn dẻo dai nhanh nhẹn, cơ bắp săn chắc, mặc áo dài truyền thống vẫn... đẹp đấy chứ ! Theo tôi, nếu có điều kiện thì phụ nữ nên học võ để có sức khỏe, sự tự tin và có một cơ thể đẹp.

- Một kỷ niệm "thót tim" nhất khi cô làm  cascadeur? (Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐHDL Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh)

- Đó là trong lần ốm vừa rồi, gia đình thấy tôi cứ đi diễn hoài, hoảng sợ đã nhốt tôi lại. Hôm đó lại đúng vào buổi diễn. Tôi lén trốn ra khỏi nhà, sập cửa xong mới nhớ ra quên bộ râu, lại phải lấy que khều... Loay hoay rất lâu mới khều được bộ râu ra ngoài và... suýt bị người nhà phát hiện. Cảm giác lúc đó rất hồi hộp và rất... sợ.

- Cô vừa trải qua một căn bệnh hiểm nghèo, cô có thể cho khán giả biết sức mạnh nào đã giúp cô vượt lên chính mình để gặt hái được rất nhiều thành công ở các lĩnh vực mà cô tham gia? (doanmyduyenvn.com )

- Tất cả lòng say mê và ý chí quyết tâm. Tôi đã dốc toàn tâm toàn ý cho công việc. Cuộc sống của tôi có nhiều trắc trở, khó khăn, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua nổi nhưng nhờ sự quyết tâm và lòng say mê tôi đã đi đến cùng.

- Nữ võ sư có khi nào dùng ưu thế của mình để “tranh luận” với ông xã không? (Hải Thanh, sinh viên ĐH KHXH - NV TP Hồ Chí Minh)

- Vợ chồng ai cũng có những lúc bất đồng với nhau, nhưng mình và ông xã thì luôn tranh luận trong sự hòa bình. Cũng có lúc mình giở ngón nghề ra để “khuất phục” ông ấy nhưng là theo cách vui vẻ và tế nhị. Chứ thực tình mình và ông xã chưa khi nào “giao đấu”. Mà nếu có giao đấu chắc phần thắng bao giờ cũng thuộc về mình vì... mình là phụ nữ !
  • Hồng Dung



Trưởng sư Võ Văn Thái
 
adminNgày: Monday, 2018 Jul 02, 22:28:42 | Thông điệp # 3
Trưởng sư sáng lập
Nhóm: Người quản trị
Bài viết: 157
Giải thưởng: 0
Danh tiếng: 0
Trạng thái: Offline
NHỮNG ÐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CÁC VÕ SƯ ÐỐI VỚI NỀN VÕ HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
(Biên soạn: Võ sư, Nhà giáo Ưu Tú Thu Vân)

  • Kính thưa ban lãnh đạo. 
  • Kính thưa các lãnh đạo các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể. 
  • Kính thưa các bậc võ sư tiền bối, các võ sư, các huấn luyện viên, các võ sinh các môn phái trong và ngoài nước tham dự. 
  • Kính thưa ban tổ chức, kính thưa các vị khách quý. 

Dân tộc Việt Nam, vốn có nền võ học cổ truyền, được sản sinh và hình thành ngay từ những buổi đầu dựng và giữ nước. Các thế hệ cha ông ta như: LÝ ÔNG TRỌNG - CAO LỖ, HAI BÀ TRƯNG, BÀ TRIỆU, MAI THÚC LOAN, ANH EM NHÀ TÂY SƠN NGUYỄN HUỆ. đã nối tiếp kế thừa và phát triển cho đến ngày hôm nay. Ðể kho tàng võ học dân tộc ngày càng thêm phong phú. Góp phần không nho, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Tuổi trẻ có ai, có chút ít suy tư, khi nghĩ đến các võ sư già? Họ đã tận tụy một đời, mang sức và sự hiểu biết của mình, đóng góp vào kho tàng võ học Cổ Truyền Việt Nam và trao cho thế hệ trẻ! Những chuyến ra đi mãi không về, mãi mãi nằm sâu trong lòng đất mẹ, của các bậc võ sư chân tài. Nhưng! Các bậc tiền nhân, vẫn mãi và luôn dõi theo những lớp sau, đã kế thừa sự nghiệp và phát triển truyền thống, mà họ đã dày công sáng tạo và gìn giữ ra sao? Chính sự ra đi của các bậc tiền nhân, đã làm chúng ta mất đi biết bao nhiêu vốn quý báu, bởi quy luật sinh diệt của tạo hóa, trong sự tuần hoàn của vũ trụ. Có còn đầy đủ chăng? Những kho tàng võ học của quê hương. 

Ðiều chắc chắn là những tài hoa, những vốn quý của các bậc tiền bối, mà chúng ta đã có ai, tâm đắc được! Thời vàng son, của các bậc võ sư lão thành đã trôi qua. Những đường quyền uy hùng như mãnh hổ! Những ngọn cước rạt rào mãnh liệt chỉ còn là âm vang! Tiếng réo rắt của đường roi Tề Mi tấn nhất ồ ạt, tiếng rít gió của đường kiếm, thanh gươm nay chỉ còn là dư hương. Riêng chúng ta đã làm được những gì cho kho tàng võ học Việt Nam? 

Chúng ta là những ngừơi kế nghiệp! Yêu quê hương, tổ quốc, yêu lịch sử oai hùng của dân tộc. Thì. Ðừng để võ cổ truyền đi vào quên lãng. Chỉ còn là hư danh! Ðừng để võ học Việt Nam mất vị thế xứng đáng trong nứơc và trên trường quốc tế. 

Nào! Chúng ta hãy cùng nhau siết chặt tay, nối vòng tay lớn. Góp phần vào việc kế thừa và phát triển bộ môn võ học Vổ Truyền Việt Nam, vươn lên mạnh mẽ, lan tỏa và rộng khắp. Ðể nền võ học Việt Nam mãi mãi là hào khí bất tận, của mọi lứa tuổi. Nền võ học Cổ Truyền sẽ sống mãi với dân tộc, với quê hương Việt Nam. Cũng như truyền bá trên khắp năm châu bốn bể. 

Ðiều chúng tôi đang làm, nghĩ và mong sẽ được như vậy. Hy vọng nền võ học Việt Nam sẽ bừng lên sống mãi trong lòng mỗi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong các học đường và các tầng lớp trong xã hội. Võ học Việt Nam sẽ mãi mãi là mùa xuân bất tận của mọi lứa tuổi. Chúng ta đã chung tay hành động. Và ngày hôm nay chúng ta tự hào vì Võ Thuật Cổ Truyền đã bay xa ra ngoài lãnh thổ và sánh vai cùng với bè bạn năm châu. 

Là một võ sư, nhà giáo, giám đốc Trung Tâm Ðào Tạo Võ Thuật Sân Khấu Ðiện Ảnh Ðại Học Hồng Bàng, chịu trách nhiệm đào tạo các diễn viên, cascadeur trên sân khấu và điện ảnh. Tôi vô cùng biết ơn các cố võ sư, các bậc võ sư tiền bối, các võ sư đã giúp cho tôi giữ được nhiều vốn quý báu của bộ môn Võ Cổ Truyền ứng dụng trong các phim lịch sử và sân khấu, điện ảnh. Giúp các cascadeur tại Thành Phố Hồ Chí Minh tạo được nhiều đòn thế hay và đẹp mắt khi đóng thế cho các bộ phim trong và ngoài nứơc. 

Vì vậy. Ý tưởng bảo tồn võ học Cổ Truyền là một chủ trương, cần có sự tham gia của nhiều võ sư, học giả, khoa võ thuật cổ truyền, võ sân khấu điện ảnh - cascadeur. Vẫn đang tiếp tục triển khai, phát triển tập hợp. Thu hút nhiều giới và tầng lớp trong xã hội. Cùng mục đích là bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể. Rất mong các cơ quan, ban ngành hữu quan, tích cực giúp đỡ thiết thực tạo điều kiện để võ học Cổ Truyền Việt Nam là món quà giao lưu với bạn be, trên khắp năm châu bốn biển. Thể hiện tinh thần dân tộc yêu chuộng hòa bình, đoàn kết và có bản sắc văn hóa riêng, tồn tại và cũng là món quà trân trọng trao lại cho thế hệ tương lai. 

Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan, ban ngành hữu quan và ban tổ chức của Festival Quốc Tế Bình Ðịnh. Ðã cho chúng tôi được giao lưu, có cơ hội mở rộng tầm nhìn và học hỏi Võ Học Cổ Truyền của quốc tế tại Bình định. Kính chúc đại hội Festival võ thuật cổ truyền quốc tế thành công tốt đẹp. Kính chúc các lão võ sư trong và ngoài nước luôn luôn an khang thịnh vượng, để ngày càng đóng góp cho kho tàng Võ Học Cổ Truyền dồi dào hơn nữa. Chúc các bạn trẻ trong và ngoài nước. Gìn giữ và phát huy Võ Học Cổ Truyền phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

Lần Nữa Tôi Xin Chân Thành Cảm Ơn! 
  • Võ sư, Nhà giáo ưu tú Thu Vân



Trưởng sư Võ Văn Thái
 
adminNgày: Monday, 2018 Jul 02, 22:48:21 | Thông điệp # 4
Trưởng sư sáng lập
Nhóm: Người quản trị
Bài viết: 157
Giải thưởng: 0
Danh tiếng: 0
Trạng thái: Offline
VÕ SƯ THU VÂN VÀ LẦN XIN ĐƯỢCTƯỚI XĂNG ĐỐT NGƯỜI

Làng điện ảnh phía Nam chắc chắn sẽ còn nhắc nhiều đến cái tên võ sư Thu Vân, bởi những câu chuyện có một không hai trong sự nghiệp của bà.

"Cháy ít như thế thì quỷ nó xem phim"

Trong phim Những bông hoa bình dị của đạo diễn Văn Thênh có cảnh quay bà mẹ vì cứu con nên bị cháy. Vì cảnh này ngoài dự tính nên không có kinh phí, đạo diễn nhờ cascadeur chịu… cháy ngay phần mông, rồi đặc tả cảnh cháy. Biết có quay cháy, võ sư Thu Vân năn nỉ anh đội phó: “Mày cho cô cháy một phát để kỷ niệm đời làm cascadeur, bắt tao chỉ huy hoài, đến chết không có cảnh nào để khoe”.

Thấy chỉ là cảnh cháy cái mông nên anh em cũng ưu tiên dành cho bà cảnh quay này. Sau khi lệnh đạo diễn vang lên, lửa bén phần mông bà cháy hừng hực, sau hồi vùng vẫy bà nằm chết… rất đẹp. Đạo diễn tỏ vẻ đồng ý cứ “ok” lia lịa.

Vậy mà bà lại phản ứng rất dữ dội: “Cháy có chút xíu mà bắt tôi chết, chưa có nóng gì hết mà chết cái gì, làm phim kiểu này khán giả cười cho thúi mặt!”. Với thái độ giận dữ, bà yêu cầu đạo diễn cho quay lại, bà sẽ không tính tiền cảnh cháy này.
 

Cú cháy để đời của võ sư Thu Vân

Bà yêu cầu phải tưới xăng nhiều lên, vì nếu ngọn lửa cháy lớn thì mới có thể chết được.

Cuối cùng, ngọn lửa “không tốn tiền” này cháy hừng hực, tiếng la hét của bà như ngọn đuốc sống làm đạo diễn muốn “đứng hình”. Sau cảnh diễn, tiếng bà lại oai oái: “Ối trời đất ơi, tóc của tôi cháy rụi hết rồi, cháy luôn chân mày nữa này, ối làng nước ơi!”.

Cả đoàn phim lần đó cười như bể bụng, vì người cháy như ngọn đuốc nhưng bà không sợ chết nhưng tóc bị cháy, về nhà ông xã biết thì nguy to!

Đánh võ Nhật trong cải lương cổ trang

Thuở cải lương đang xuống dốc, đoàn Sài Gòn 2 của vợ chồng NSƯT Thanh Điền - Thanh Kim Huệ có dựng vở Chấp cánh chim bằng. Để tăng cường sự hấp dẫn, nữ võ sư Thu Vân được mời về tăng cường phần võ thuật.

Theo kịch bản, tới hiệu lệnh của Phạm Ngũ Lão (nghệ sĩ Bảo Linh) là 12 anh em cascadeur sẽ triển khai đánh nhau, từ múa cờ, đánh thương, côn, kiếm, giáo… rồi một nữ đánh nhau với 4 người.

Thời đó, đội cascadeur với lực lượng 4 tuyển thủ Taekwondo, 4 võ sư tam đẳng hồng đai võ cổ truyền cùng 4 kiện tướng nhào lộn nên các màn võ thuật đã diễn ra một cách đặc sắc chưa từng có, tiền của khán giả kẹp vô những cây quạt quăng lên sân khấu tặng còn nhiều hơn tiền tặng cho cặp đôi đào kép chánh Thanh Kim Huệ - Bảo Linh lúc bấy giờ.
 

Võ sư Thu Vân trong một cảnh phim

Ở tuần diễn đầu tiên anh em cascadeur dưới sự chỉ đạo của võ sư Thu Vân được lãnh đạo đoàn khen nhiệt liệt, nhưng đến hai tuần sau, bà phải vào viện nuôi mẹ chồng và chỉ huy phần võ thuật này được giao lại cho anh chàng Phó chủ nhiệm đảm trách.
Vẫn biểu diễn sôi động và được khen nồng nhiệt, nhưng đã qua đến đêm diễn thứ năm mà tiền lương vẫn chưa được phát. Đã vậy một thành viên trong nhóm cascadeur vì hăng diễn quá bị đánh trúng tét luôn mí mắt đưa đi cấp cứu.

Trước tình hình căng thẳng này, vị phó nhóm yêu cầu đoàn hát ứng tiền để lo cho anh em. Phía đoàn hát chỉ ứng trước 10% lương với lý do chưa kết sổ.

Vừa ức về lương vừa lại không được động viên tận tình, nhóm “phát minh” ra một sáng kiến: Đánh theo ý mình cho thỏa thích, đánh không cần theo kịch bản, chỉ cần đánh đẹp để khán giả vỗ tay rồi về luôn, không thèm lãnh lương gì cả!

Thế là, trên sân khấu là bối cảnh của Phạm Ngũ Lão thời vua Trần, vậy mà không hiểu sao các tay “tướng sĩ” này lại đánh kiếm Nhật của Ninja, riêng nữ cascadeur mặc áo quân Nam lại chơi côn nhị khúc, đánh tơi tả quân thù, sau đó còn bay lên kẹp cổ đối phương quật xuống một cách điệu nghệ theo phái võ Vovinam.

Lại thêm một chàng trai cỡi áo, lộ rõ thân hình 6 múi, đánh các thế võ và la hét y như… Lý Tiểu Long.
 
Võ sư Thu Vân trong "Tây Sơn hào kiệt"

Khán giả vỗ tay rợp trời, tiền thưởng quăng lên sân khấu cũng quá xá. Dứt cảnh quay, các tay cascadeur tranh thủ ôm tiền thưởng vô hậu đài và ra về trong niềm hân hoan khó tả.

Tin đánh võ “tréo cẳng ngỗng” đến tai võ sư Thu Vân, nguyên nhóm bị bà mắng một trận té tát. Bà bảo: “Khó khăn cỡ nào cũng phải chờ lãnh đạo đoàn giải quyết. Là nghệ sĩ không thể tuỳ tiện đánh võ không theo kịch bản”.

Cả nhóm phải nhận lỗi trước sự nghiêm khắc của Thu Vân và chính bà sau lần đó phải túc trực sân khấu chỉ huy như một lời nhận lỗi với đoàn cải lương của Thanh Kim Huệ. 

Trốn viện vì muốn được... cháy người

Trong lần VTV vào Nam quay phóng sự về cascaduer, vì ông xã ở nhà đang bệnh nên mới sáng sớm bà đã chu toàn cơm nước, thuốc thang đầy đủ, chồng bảo gì cũng vâng dạ rất ngoan hiền.

Thoáng một chốc đã thấy bà biến mất. Phải đến gần 2 giờ sau bà xuất hiện ở nhà, ai hỏi bà cứ bảo mới vừa đi chợ về. Hai ngày sau, khi đài VTV phát sóng, nhìn thấy bà toàn thân rực cháy như một ngọc đuốc sống, cả nhà hết hồn, tìm hiểu kỹ mới biết hôm đó bà trốn chồng để làm cảnh cháy nhằm giữ chữ tín với Đài VTV.
 

Một thế võ của bà trên sân khấu 5B

Chưa hết, có lần bà nhập viện với cơn bệnh thập tử nhất sinh, lệnh bác sĩ yêu cầu phải nằm yên tịnh chữa trị một thời gian dài vậy mà khi đạo diễn Hồ Ngọc Xum cần vai một bà già, đánh cướp rồi bị xe tông, bà ngay lập tức trốn viện để tham gia.

Ra hiện trường bà tỉnh bơ chỉ đạo đám học trò từng đòn thế đánh nhau, ngay cả cảnh đụng xe phải đụng sao cho nó… thật.

Đến khi thấy bà có dấu hiệu mệt thật sự, một em nhỏ nhẹ bên tai đạo diễn: “Chú ơi cô ấy trốn viện để chơi cảnh này đó chú, chú có quay thì cho đụng nhẹ nhẹ nghe chú, chứ có chuyện gì con không biết làm sao”.

Sau phần tâm sự này tất nhiên lệnh đạo diễn yêu cầu ngưng lại, vậy mà bà cứ nhất quyết: “Phải để tôi làm thì tôi mới yên tâm, mấy cháu còn nhỏ lắm, không đủ kinh nghiệm để làm”.
 

Được biểu diễn võ là đam mê bất tận của võ sư Thu Vân
Làm náo động trường Đại học

Khi về về hưu, bà giữ vị trí giám đốc Trung tâm võ thuật của trường Đại học Dân lập Hồng Bàng. Từ ngày bà về trường là những chuỗi ngày bà làm “xáo trộn” mọi nghi thức học đường.

Phong trào thể thao, văn nghệ của trường, chưa bao giờ lại sôi nổi như thế, các sinh viên cứ lao vào những bài quyền, những điệu múa, câu hát khiến toàn bộ giáo viên trong trường nhiều lúc ngạc nhiên, chất vấn thẳng tới thầy hiệu trưởng: “Vì sao lại đưa về một người như thế, liệu sẽ đem được lợi ích gì cho sinh viên, học sinh khi mà cái chữ không lo, chỉ tối ngày đi lo đánh võ và múa hát?”.

Cho đến khi những chiếc huy chương vàng của các bộ môn bóng đá, cầu lông, võ thuật, những bằng khen xuất sắc tại các kỳ liên hoan ca múa toàn quốc… được trao cho trường, thắc mắc đó mới hết.

Rụng tóc vì ung thư, vẫn muốn được diễn

Là một nhà giáo ưu tú, có đến hàng trăm học trò nổi tiếng như Cảnh Đôn, Thành Lộc, Hồng Vân, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Minh Châu… thế nhưng đam mê nhất của võ sư Thu Vân là biểu diễn.

Trong một lần, thấy bà lớn tuổi lại đang mang trọng bệnh (ung thư, đã di căn) ban tổ chức quyết không cho bà diễn. Không phản ứng, bà chỉ âm thầm chuẩn bị, chờ thời điểm thích hợp rồi chạy ào ra sân khấu, diễn luôn một mạch từ bài đao, côn, kiếm, cho đến tay không. Khán giả vỗ tay quá trời còn anh em thì sững sờ kinh ngạc, không hiểu sức khỏe ở đâu mà bà lại có thể diễn được như vậy!
 

Đời bà có rất nhiều thế hệ học trò

Ngặt nghèo nhất là trong thời gian trị xạ, đầu bị rụng hết tóc, vậy mà bà vẫn xin được diễn, một vai yêu quái, đánh với Tề Thiên. Không ngờ chính cái đầu trọc lóc vì bệnh cộng với sự diễn xuất võ thuật của bà được khán giả ủng hộ nồng nhiệt.

Chưa hết, trong thời điểm khó khăn, một mình chăm sóc cho mẹ chồng đang bị liệt, con đang bị bệnh gan còn chồng thì đang bị bệnh thận vậy mà bà vẫn tranh thủ “trốn” để đi diễn.

Có lần chồng bà giận quá, khóa cửa không cho đi ra ngoài, thế là võ sư Thu Vân leo rào, trốn ra. Đến khi về nhà không có chìa khóa vào, lại phải leo rào, cứ như cái thời tuổi còn con gái. Đây là là chi tiết đắt giá được biên kịch Phạm Thuỳ Nhân đưa vào phim Không chỉ là chiếc bóng của đạo diễn Xuân Cường.
  • Lữ Đắc Long

Tệp đính kèm: 6112776.jpg (82.6 Kb) · 9682514.jpg (85.4 Kb) · 9663210.jpg (76.2 Kb) · 7008735.jpg (43.1 Kb) · 2187819.jpg (76.6 Kb) · 9032786.jpg (46.1 Kb)


Trưởng sư Võ Văn Thái
 
Dịch vụ diễn đàn » CHUYÊN MỤC 1: DIỄN ĐÀN QUẢN TRỊ » Quản trị thông tin » Thông tin bài viết » VÕ SƯ - CHƯỞNG MÔN - NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN THU VÂN (Chưởng môn nhân Môn Phái Thu Vân Võ Đạo)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: